Thích thủ môn

Tổng hợp kinh nghiệm chụp thủ môn sân 7 (miền Nam)

Yêu thích vị trí thủ môn, từ khi lên Sài Gòn học đại học và làm việc đến nay, mình cũng đã có hơn chục năm làm thủ môn phong trào, trong đó có hơn 4 năm làm thủ môn sân 7. Trong bài viết này, mình xin chia sẻ những kinh nghiệm khi chụp thủ môn sân 7 mà bản thân đã rút ra được. Lưu ý, đây chỉ là kinh nghiệm cá nhân của mình, có thể sẽ không đúng với tất cả đâu nhé!

Kinh nghiem lam thu mon san 7

Chuẩn bị đầy đủ phụ kiện, đồ nghề

Để thi đấu một trận banh trọn vẹn, an toàn thì bạn phải chuẩn bị đẩy đủ phụ kiện như: giày, vớ, găng tay, quần áo thủ môn, áo lót body, quần body, bó gối, bó khuỷu tay (bó cùi chỏ), có như thế thì bạn mới tự tin đối mặt với mọi pha bóng, mọi tình huống lăn xả cứu thua trên sân.

Chọn một đôi găng phù hợp

Khái niệm phù hợp ở đây là về những yếu tố size găng, độ ôm bàn tay, kiểu ngón tay, độ dư đầu ngón, độ thoáng khí, độ nặng nhẹ, độ dính của găng, có xương hay không xương,… Có thể sẽ khó tìm được một đôi găng đáp ứng hết tất cả những yêu cầu của bạn. Tuy nhiên, nếu có càng nhiều thứ phù hợp thì độ thoải mái khi chụp banh sẽ càng cao, cảm giác banh cũng sẽ tốt hơn. Găng không thể giúp bạn chụp hay hơn, nhưng một độ găng vừa ý sẽ giúp bạn tự tin hơn.

Khởi động kĩ trước khi thi đấu

Giống như những bài viết trước đây mình đã nhắc đến, việc khởi động luôn nằm trong những điều mình bắt buộc phải làm khi chuẩn bị cho một trận đấu. Bất kể bạn thi đấu phong trào hay chuyên nghiệp, giao hữu hay đá giải, việc khởi động kĩ sẽ giúp cơ, xương, khớp được làm nóng, bôi trơn từ đó giúp bạn làm quen với trận đấu nhanh hơn. Đặc biệt thủ môn là vị trí cần phải tập trung theo sát từng giây phút của trận đấu, phản xạ nhanh trước nhiều tình huống cứu thua bất ngờ, chịu va chạm nhiều, nên việc khởi động kĩ cũng hạn chế chấn thương khi phải thi đấu với cường độ cao.

Luôn luôn tập trung trong suốt trận đấu

Thủ môn là một vị trí đặc biệt, bạn không được phép mắc sai lầm, bởi vì sẽ không ai sửa chữa sai lầm cho bạn. Vì vậy, một khi đã đứng trước khung thành, bạn cần phải tập trung và duy trì sự tập trung trong mọi tình huống, mọi pha bóng, chí ít là cho đến khi trọng tài thổi còi kết thúc trận đấu. Sự tập trung sẽ giúp bạn theo sát được nhịp độ của trận đấu, hạn chế mắc sai lầm không đáng có.

Học cách điều khiển hàng phòng ngự

Là thủ môn, bạn cần phải có sự liên kết chặt chẽ với các hậu vệ và trung vệ, điều khiển, phối hợp, nhắc nhở hàng phòng ngự di chuyển trong những tính huống chống đỡ các đường lên bóng tấn công của đội bạn. Nếu làm tốt điều này, bạn sẽ giảm được rất nhiều áp lực trước khung thành, khối lượng công việc bạn phải làm trong trận đấu cũng sẽ giảm xuống đáng kể.

Chú ý khoảng cách với trung vệ cuối cùng

Do kích thước sân 7 nhỏ hơn sân 11, nên khoảng cách từ vòng tròn giữa sân đến vòng cấm cũng sẽ ngắn hơn, bạn cần đứng cao lên một chút để có thể vừa thu hẹp góc sút của đối phương, vừa giữ khoảng cách hợp lý với trung vệ thòng cuối cùng, nó giúp thủ môn không quá bị động, từ đó có thể băng ra cản phá những tình huống phản công của đối phương khi hậu vệ cuối cùng đã bị vượt qua.

Luôn duy trì tư thế chuẩn bị

Đặc biệt khi đội bạn đang tấn công, vì tiền đạo đối phương sẽ luôn cố gắng đưa ra những cú sút bất ngờ và hiểm hóc nhứt để ghi bàn, vì vậy bạn cần phải luôn trong trại thái chuẩn bị; trọng tâm thấp, lưng thẳng, hai tay giữ nhẹ ở ngang hông, di chuyển bằng mũi bàn chân để có sự phản xạ kịp thời trong mọi tình huống.

Tạo thói quen chụp bằng cả hai tay

Việc chụp banh hoặc cản phá bằng cả hai tay sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc kiểm soát banh, đồng thời tăng khả năng chụp dính ở các tình huống đường banh không quá khó, từ đó hạn chế các tình huống banh bật ra tạo cơ hội đá bồi cho đội bạn. Tất nhiên, ngoại trừ những tình huống cản phá bất ngờ hoặc banh quá hiểm thì việc sử dụng hai tay là điều gần như không thể.

Nên la lớn trước khi tranh chấp banh bổng hoặc tình huống 50 – 50

Là thủ môn,bạn có quyền la lớn khi tranh chấp các tình huống banh bổng hoặc 50 – 50, đó như một tín hiệu để hậu vệ đội bạn và tiền đạo đội phương biết thủ môn sẽ “xuất tướng”, lao ra tham gia tình huống bóng, từ đó có những hành động tranh chấp hợp lý để tranh va chạm, những chấn thương đáng tiếc xảy ra.

Tổng kết

Trên đây là một số kinh nghiệm mình rút ra được sau một thời gian làm thủ môn sân 7, chắc chắn nó sẽ không thể nào đầy đủ, bởi vì mỗi bạn sẽ có cho mình những kinh nghiệm riêng khi thi đấu. Tuy nhiên, mình mong rằng bài chia sẻ này sẽ giúp cho các bạn có được những thông tin thật sự bổ ích, cũng như lan tỏa niềm đam mê vị trí thủ môn đến những anh em yêu thích môn thể thao vua.

Phong Tâm

Thích đá banh, thích làm thủ môn, yêu thích Manchester United.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *