Manchester United Blog

Thế hệ vàng 1992 của Manchester United: Những huyền thoại của Quỷ đỏ

Thế hệ vàng 1992 của Manchester United là lứa cầu thủ trẻ tài năng do chính câu lạc bộ đào tạo, tất cả đều trưởng thành từ học viện của đội bóng. Lứa 1992 được biết đến là dàn cầu thủ trẻ xuất sắc và nổi tiếng nhứt của đội chủ sân Old Trafford.

The he vang 1992 cua Manchester United
Những ngôi sao trong thế hệ vàng 1992 của Manchester United.

Thế hệ vàng 1992 gồm nhiều cầu thủ do HLV Eric Harrison dẫn dắt, thế nhưng những cá nhân để lại nhiều dấu ấn chỉ gồm 6 cái tên: Ryan Giggs, David Beckham, Paul Scholes, Nicky Butt, Phil Neville, Gary Neville. Không chỉ thành công tại CLB, 5 cầu thủ trên (ngoại trừ Giggs – Xứ Wales) đều lần lượt được thi đấu và có những đóng góp quan trọng cho đội tuyển Anh.

Lứa 92 còn được gọi là Fergie’s Fledglings (Những chú chim non của Fergie). Cho đến hiện nay, gần như chưa có CLB nào ở Premier League có thể tái hiện lại điều này, ngay cả M.U, mặc dù đã nhiều lần đôn các lứa măng non lên đội 1, thế nhưng đội bóng vẫn chưa thể lặp lại thành công của chính mình trong quá khứ.

Trong môi trường bóng đá Anh hiện nay, khi mà việc toàn cầu hóa diễn ra nhanh chóng, việc các cầu thủ người Anh ít được đôn lên  đội một ở một CLB thi đấu tại giải Ngoại hạng Anh càng cho thấy sự thành công to lớn cũng như tài năng vượt bậc của thế hệ 1992.

Thế hệ vàng 1992 của Manchester United gồm những ai?

Như đã nhắc đến ở trên, thế hệ 1992 của Man United gồm nhiều cầu thủ trẻ, nổi bật nhứt là Giggs, Beckham, Scholes, Butt, anh em nhà Neville.

Giải thích cho tên gọi này là bởi vì nhóm 4 trong 6 cầu thủ kể trên đã góp mặt trong đội hình Quỷ đỏ vô địch FA Youth Cup  năm 1992 dưới sự huấn luyện của HLV Eric Harrison (đội hình trong trận chung kết năm đó không có Phil Neville và Paul Scholes).

Ngoài 6 cái tên đã trở thành biểu tượng của CLB cũng như bóng đá thế giới, lứa 1992 vẫn còn những cầu thủ khác nhưng đã không đáp ứng được kì vọng từ ban huấn luyện.

Thủ môn Kevin Pilkington là trụ cột trong chiến tích giành FA Youth Cup 1992 nhưng sau đó không thể chen chân lên đội 1, anh chia tay sân Old Trafford năm 1998, thi đấu phần lớn sự nghiệp cho các CLB hạng dưới.

Hậu vệ cánh phải John O’Kane chỉ được Sir Alex xem là phương án dự phòng cho vị trí của Gary Neville, anh kí hợp đồng với Everton năm 1998, trước khi kết thúc sự nghiệp tại Blackpool vì chấn thương.

Hậu vệ trái George Switzer chưa bao giờ được đôn lên đội 1, anh đến Darlington năm 1993, chủ yếu thi đấu ở các giải đấu cấp thấp và giải nghệ năm 2013.

Chris Casper có trận ra mắt đội một ở vị trí trung vệ gặp Port Vale vào năm 1994 chung với Paul Scholes. Sau đó, anh đựợc đem cho mượn ở nhiều CLB khác nhau, thế nhưng con đường bóng đá Casper đã phải kết thúc sơm vì chấn thương ở tuổi 24.

Những cầu thủ khác như: Robbie Savage, Simon Davies, Ben Thornley, Keith Gillespie, Leonard Taylor,… cũng có sự nghiệp không quá nổi bật nếu so với top 6 cầu thủ thành công nhứt lứa 1992.

Tiến lên đội một

Mặc dù lấy năm 92 làm cột mốc, nhưng không phải ai trong “nhóm 6” cũng được đôn lên đội một vào năm đó. Ryan Giggs thực sự đã thi đấu song song cho cả 2 đội (đội trẻ và đội một) từ năm 1991, thậm chí hợp đồng thi đấu chuyên nghiệp đầu tiên của anh với M.U còn được kí sớm hơn, vào ngày 1/9/1990 (2 ngày sau sinh nhật).

Đến năm 1992, Sir Alex quyết định đôn Beckham, Gary Neville, Butt lên đội một. Tuy nhiên, Beckham chưa thể cạnh tranh với đàn anh Andrei Kanchelskis, anh đã được gửi đến Preston North End để tích lũy thêm kinh nghiệm trong mùa giải 1994 – 1995. Năm 1995, anh trở về Old Trafford và có trận ra mắt đội một trước Leeds United.

Paul Scholes là cái tên kế tiếp được đôn lên đội 1 M.U vào năm 1994, khi lập cú đúp trong trận ra mắt tại cúp Liên đoàn gặp Port Vale.

Cái tên cuối cùng góp mặt trong đội một là trai nhà Neville, Phil Neville, anh góp mặt trong chiến thắng 5 – 2 trên sân nhà trước Wrexham ở vòng 4 cúp FA năm 1995.

Đỉnh cao và sự tan rã của Thế hệ Vàng 1992

Khoảng thời gian những năm cuối 1990 đầu 2000 là giai đoạn thành công nhứt trong lịch sử Manchester United, với dấu ấn đậm nét của Thế hệ vàng 1992.

Quỷ đỏ thành Manchester đã giành được 14 danh hiệu vô địch Premier League từ năm 1993 đến 2013, cùng nhiều danh hiệu lớn nhỏ khác trong chu kì 20 năm kì diệu ấy.

Thành công của Thế hệ vàng năm 1992 là sự kết hợp hoàn hảo giữa tài năng, sức trẻ của những ngôi sao lứa 1992 cùng kinh nghiệm của Roy Keane, Eric Cantona, Andy Cole, Dwight Yorke, Peter Schmeichel,…. Tất cả cùng tạo nên một tập thể toàn diện và đẳng cấp với đỉnh cao là cú ăn ba thần thánh năm 1999, khi M.U vừa vô địch giải Ngoại hạng, FA Cup và Champions League trong cùng một mùa giải.

Cuộc vui nào cũng sẽ đến lúc tàn, bằng nhiều cách khác nhau, cú ăn ba 1999 là điểm khởi đầu cho sự tan rã của Thế hệ vàng 1992.

Beckham là người đầu tiên rời khỏi Man United sau vụ việc “chiếc giày bay” với Sir Alex, anh chuyển đến Real Madrid vào năm 2003. Sau này, trong tự truyện, HLV người Scotland đã chia sẻ, ông cảm thấy Beckham khi đó không còn tập trung vào đá bóng, anh ấy thích cuộc sống của một người nổi tiếng hơn.

Nicky Butt cũng rời khỏi Man United 1 năm sau đó, mặc dù là một tiền vệ tài năng nhưng Butt chưa thực sự được trao nhiều cơ hội, số lần ra sân trong một mùa giải của anh thực sự không quá nhiều, anh không muốn mỗi mùa giải chỉ được ra sân từ 25 đến 30 lần. Butt chuyển đến Newcastle United, trải qua 6 mùa giải và kết thúc sự nghiệp tại St. James’ Park.

Phil Neviile, em trai của Gary Neviile cũng rời Old Trafford để tìm kiếm cơ hội mới. Năm 2005, Phil Neville chuyển đến Everton với giá 3,5 triệu bảng sau 12 năm gắn bó với Man United. Quyết định này xuất phát từ lời khuyên của HLV Alex Ferguson, ông chia sẻ rất vui vì có Phil trong đội hình, nhưng anh cần phải có sự thay đổi để gặt hái được nhiều thành công hơn trong sự nghiệp. Anh có 8 mùa giải đáng nhớ tại Goodison Park trước khi giải nghệ.

Bộ ba Paul Scholes, Ryan Giggs, Gary Neville đều kết thúc sự nghiệp tại CLB, là biểu tượng cho lòng trung thành trong thế giới bóng đá hiện đại ngày nay.

Từ những bước khởi đầu chập chững, đến khi bước ra ánh sáng, đi đến đỉnh cao thành công năm 1999, rồi có những ngả rẽ, dù mỗi cá nhân để lại dấu ấn theo mỗi cách khác nhau, có thăng trầm, có biến động. Thế hệ 1992 với sáu cái tên tiêu biểu luôn được xem là huyền thoại của Manchester United, với tài năng và sự đóng góp của họ dành cho CLB. Sẽ còn rất rất lâu nữa, người hâm mộ Quỷ đỏ mới được chiêm ngưỡng một lứa cầu thủ tài năng như thế, một điểm giao cắt tuyệt vời của lịch sử.

Phong Tâm

Thích đá banh, thích làm thủ môn, yêu thích Manchester United.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *